Đăng vào Để lại phản hồi

Khoa học – Niềm hứng thú bất tận

Trẻ em là lứa tuổi rất thích tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh. Khám phá khoa học mang lại nguồn biểu tượng vô cùng phong phú, đa dạng, sinh động, đầy hấp dẫn với trẻ thơ, từ môi trường tự nhiên đến môi trường xã hội. Các thí nghiệm khoa học sẽ mở rộng cho trẻ về: cảm giác , tri giác, tư duy, tưởng tượng… Dần dần với các kiến thức và kỹ năng có được trẻ sẽ phát triển các năng lực hoạt động trí tuệ như: quan sát, phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hoá, suy luận,…

Trẻ sẽ vô cùng thích thú và trầm trồ mỗi khi phát hiện ra một điều mới lạ, lý thú. Chính vì mẹ Kiwi hiểu được tâm lý muốn tìm hiểu mọi thứ xung quanh của trẻ, nên với mọi em bé là học sinh của mình cũng như với Kiwi, mình luôn tích cực tìm tòi và đưa ra các thí nghiệm phù hợp với lứa tuổi, sở thích cho trẻ khám phá.

Bé thí nghiệm khoa học

Dạy khoa học cho trẻ 0-6 tuổi vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì nội dung các hoạt động khoa học đều là các chủ đề gần gũi và liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của trẻ như: nóng – lạnh, nắng – mưa, động vật – thực vật,…Khó vì bố mẹ cần cung cấp các thông tin chính xác và có tính khoa học để trẻ nhận biết đúng hiện tượng cũng như có tư duy chính xác về hiện tượng đó. Để thực hiện một hoạt động khoa học từ đầu đến cuối bố mẹ cần thực hiện các bước sau:

** Với trẻ dưới 3 tuổi các thí nghiệm khoa học mang tính cung cấp các khái niệm và tên gọi hiện tượng nên bố mẹ chỉ cần sử dụng ngôn từ ngắn gọn và chính xác là được, có thể giải thích hiện tượng một cách ngắn gọn nhất hoặc không cần giải thích cũng được. Dần dần khi các con tích lỹ đủ các kiến thức và khái niệm rồi thì bố mẹ mới giải thích chi tiết hơn.

  1. Giới thiệu tên hoạt động
  2. Giới thiệu đồ dùng làm thí nghiệm
  3. Tiến hành thí nghiệm
  4. Khái quát lại kiến thức

** Với trẻ trên 3 tuổi  các con đã có nhận thức khá tốt về các hiện tượng và khái niệm khoa học cũng như trải nghiệm bản thân về nhiều lĩnh vực thì bố mẹ sẽ thêm phần “Khảo sát trẻ” vào mỗi bước thực hiện. Khảo sát trẻ ở đây chính là các câu hỏi để kiểm tra xem trẻ đã có những khiến thức gì và gợi mở trí tưởng tượng của trẻ từ những kiến thức mà trẻ có. Bố mẹ nên dùng các câu hỏi mở để khơi gọi trí tưởng tượng và khả năng logic của trẻ. Chắc chắn bố mẹ sẽ thấy bất ngờ với các câu trả lời rất ngây thơ, dí dỏm, vừa buồn cười vừa sáng tạo của các con đấy ạ.

Mẹ Kiwi sẽ thực hiện một thí nghiệm khoa học cho trẻ trên 3 tuổi bằng 5 bước sau:

  1. Giới thiệu tên hoạt động – Khảo sát trẻ (Sau khi giới thiệu tên hoạt động có thể hỏi trẻ: Con đã biết đến thí nghiệm này chưa? Con nghĩ thí nghiệm đó có ở những đâu?…)
  2. Giới thiệu đồ dùng làm thí nghiệm – Khảo sát trẻ (Sau khi giới thiệu tên các đồ dùng mẹ Kiwi sẽ hỏi trẻ các câu hỏi liên quan đến hiểu biết về đồ dùng. Cho trẻ đoán xem sẽ làm thí nghiệm bằng các đồ dùng này như thế nào)
  3. Tiến hành thử nghiệm- Khảo sát trẻ (Trong khi làm thí nghiệm, ta có thể hỏi trẻ xem nếu làm như vậy sẽ có hiện tượng gì xảy ra, hay nếu thay đổi cách làm thì sẽ như thế nào?…)
  4. Cho trẻ làm thí nghiệm – Khảo sát trẻ (Sau khi trẻ đã quan sát bố mẹ thực hiện mẫu thí nghiệm, ta sẽ cho trẻ tự thực hiện thí nghiệm, nếu con chưa tự thực hiện được thì bố mẹ hỗ trợ con một chút nhé. Trong quá trình con tự làm bố mẹ sẽ đưa ra các câu hỏi để liên kết nguyên nhân – kết quả của thí nghiệm)
  5. Khái quát lại kiến thức (Sau khi hoàn thành thí nghiệm bố mẹ sẽ tóm gọn lại kiến thức trong 1-3 câu ngắn ngọn và dễ hiểu nhất để con nghi nhớ. Với các bạn đã biết đọc hay biết viết bố mẹ có thể ghi ra và treo lên tường cho con đọc lại nhiều lần)

Các thí nghiệm khoa học rất phong phú và có từ khó đến dễ. Mẹ Kiwi sẽ viết các bài cụ thể chia sẻ về từng nhóm thí nghiệm và cho từng độ tuổi để bố mẹ dễ thực hiện hơn. Mình cũng sẽ làm các clip hướng dẫn thực hành các thí nghiệm cùng Kiwi để cho bố mẹ có cái nhìn trực quan nhất về phương pháp dạy khoa học cho trẻ. Mong rằng “Kiwi’s mom” sẽ nhận được sự ủng hộ và theo dõi của bố mẹ và lan tỏa đam mê Giáo dục sớm đến nhiều gia đình hơn nữa. Cảm ơn bố mẹ rất nhiều ạ.

Trả lời