Đăng vào Để lại phản hồi

Thí nghiệm với nước cho trẻ dưới 3 tuổi (Phần 1)

Trẻ 1 – 3 tuổi đã có thể làm quen với các thí nghiệm khoa học về các hiện tượng gần gũi trong cuộc sống, các khái niệm được đưa ra cần hết sức ngắn gọn và chính xác. Trẻ sẽ vô cùng hứng thú, ngạc nhiên khi được tiếp xúc với các thí nghiệm. Đó là tiền đề để bố mẹ phát triển các thí nghiệm khó hơn và liên quan đến nhiều kiến thức hơn ở độ tuổi trên 3.

Trong các thí nghiệm thường gặp trong cuộc sống thì thí nghiệm với nước thường phổ biến nhất và hấp dẫn với mọi đứa trẻ. Ở bài viết này mẹ Kiwi sẽ chia sẻ một vài thí nghiệm đơn giản bố mẹ có thể chơi ở nhà với con, chắc chắn sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú.

Thí nghiệm chìm nổi

Thí nghiệm 1: Vật chìm – vật nổi

Bước 1: Chuẩn bị

  • Một số vật nổi trên mặt nước như lá cây, bóng bay, nắp chai nhựa, miếng xốp,…
  • Một số vật chìm dưới nước như viên sỏi, thìa kim loại, ốc vít,… (nhà mình có vật gì nổi được thì bố mẹ cứ mang ra cho bé thử nghiệm thôi ạ
  • Một chậu nước
  • 2 thẻ từ đơn “chìm”, “nổi”. (lưu ý bố mẹ nên dùng thẻ đã được ép platic để tránh nước làm hỏng thẻ)

Bước 2:Giới thiệu

Các đồ dùng đã chuẩn bị với bé và nói với bé sẽ thả lần lượt các vật trên vào nước xem có hiện tượng gì xảy ra.

Bước 3: Tiến hành

  • Thả lần lượt các vật chìm vào trong chậu nước và nói với bé rằng các vật này chìm trong nước. Đưa cho bé xem thẻ từ “chìm”
  • Cho bé tự thả lại từng vật và quan sát hiện tượng các vật từ từ chìm xuống đáy chậu. Bố mẹ nhắc lại khái niệm “chìm” để bé ghi nhớ thêm 1 lần nữa sau đó vớt hết các vật chìm ra khỏi chậu
  • Thả lần lượt các vật nổi vào trong chậu nước và nói với bé rằng các vật này nổi trong nước. Đưa cho bé xem thẻ từ “nổi”
  • Cho bé thả lại từng vật vào trong nước và quan sát hiện tượng các vật này trôi lơ lửng trên mặt nước. Bố mẹ có thể nhắc lại khái niệm “nổi” để bé ghi nhớ thêm 1 lần nữa sau đó vớt các vật ra khỏi chậu nước

Bước 4: Khái quát lại kiến thức

Bố mẹ kết luận lại những vật thả vào nước và rơi dần xuống đáy chậu là vật “chìm”, còn những vật trôi lơ lửng trên mặt nước là vật “nổi”.

Bước 5: Mở rộng

Sau khi chơi 1 vài lần, con đã nắm rõ khái niệm và đặc điểm phân biệt vật chìm, vật nổi rồi thì bố mẹ có thể thực hiện thêm bước này.

  • Mang tất cả các vật vừa làm thì nghiệm ra (cả vật chìm và vật nổi) để bé phân biệt vật nào nổi, vật nào chìm. Bằng cách yêu cầu bé lấy cho bố mẹ các vật nổi (hoặc chìm). Nếu bé lấy chưa đúng cũng không sao cả, bố mẹ sửa lại cho đúng và có thể để riêng các vật con chưa nói đúng ra để làm lại thí nghiệm.
  • Mỗi khi tắm bố mẹ đều có thể chơi lại trò này để ôn tập và mở rộng thêm với rất nhiều các vật khác nhau. Gợi ý để con đoán xem đồ vật mới đưa ra sẽ chìm hay nổi và thí nghiệm luôn trong chậu nước tắm. Giờ tắm cũng sẽ trở thành giờ học vô cùng bổ ích và hấp dẫn với con rồi đấy ạ
Thí nghiệm tan không tan

Thí nghiệm 2: Tan – không tan

Bước 1: Chuẩn bị

  • 2 cốc nước trong suốt
  • 2 cái thìa
  • 1 chất tan trong nước: đường (muối, baking soda,…)
  • 1 chất không tan trong nước: cát (hạt đỗ đen, hạt tiêu,…)
  • 2 thẻ từ “tan”, “không tan”

Bước 2: Giới thiệu

Bố mẹ giới thiệu tên tất cả các đồ đùng đã chuẩn bị và nói với bé sẽ thử cho các chất này vào trong nước và khuấy lên xem có hiện tượng gì xảy ra.

Bước 3: Tiến hành

Bố mẹ cho chất tan vào cốc nước thứ 1và khuấy lên (nếu con đã có thể khuấy được thì để con tự khuấy). Quan sát thấy sau khi khuấy chất đó dần biến mất. Bố mẹ nói chất đó đã “tan” vào trong nước rồi và lấy cho con xem thẻ từ “tan”.

Cho con tự bỏ thêm một ít chất tan vào trong nước và thực hiện lại hoạt động một lần nữa.

Bố mẹ cho chất không tan vào cốc nước thứ 2 và khuấy lên. Quan sát thấy sau khi khuấy chất đó vẫn còn nguyên trong cốc nước. Bố mẹ nói chất đó “không tan” trong nước. Lấy cho con xem thẻ từ “không tan”.

Cho con tự bỏ thêm một ít chất không tan đó vào nước là thực hiện lại hoạt động một lần nữa.

Bước 4: Khái quát lại kiến thức

Bố mẹ kết luận lại những chất sau khi cho vào nước và khuấy lên mà không còn nhìn thấy được nữa là những chất “tan” trong nước. Các chất sau khi khuấy mãi mà vẫn còn nguyên trong cốc là chất “không tan” trong nước.

Bước 5: Mở rộng

Tương tự như với thí nghiệm “chìm – nổi” bố mẹ sẽ củng cố và mở rộng thêm các chất mới để bé đoán xem chất đó “tan” hay “không tan” và thí nghiệm lại để kiểm chứng. Chắc chắn bé sẽ vô cùng hứng thú và mê khoa học từ bé luôn đấy ạ.

Ở phần 1 của bài “Thí nghiệm khoa học với nước cho trẻ dưới 3 tuổi” mẹ Kiwi đã chia sẻ với bố mẹ 2 thí nghiệm khá đơn giản và vui vẻ để giờ khoa học cũng là giờ chơi vô cùng thú vị. Hi vọng sẽ là gợi ý hữu ích với các bố mẹ chưa biết bắt đầu dạy con khoa học như thế nào. Clip thực hành của Kiwi cùng mẹ để bố mẹ tham khảo ạ: click.

Mọi ý kiến đóng góp bố mẹ hãy inbox cho mẹ Kiwi hoặc để lại bình luận bến dưới bài viết ạ.

Trả lời