Đăng vào Để lại phản hồi

Kỹ năng – Chìa khóa giúp trẻ hạnh phúc

Mỗi em bé khi sinh ra sẽ mang những đặc điểm rất khác nhau cả về ngoại hình lẫn cá tính, điểm mạnh cũng như điểm yếu. Nhưng để con trở thành một em bé vui vẻ, hạnh phúc thì bản chất lại giống nhau, đó là con phải cảm thấy luôn được an toàn, đáp ứng những nhu cầu sinh tồn và tự tin khám phá, học hỏi mọi thứ xung quanh.

Đối với mẹ Kiwi, chìa khóa để làm được điều đó chính là các kỹ năng trẻ sử dụng trong cuộc sống (kỹ năng sống). Nên mẹ Kiwi rất chú trọng dạy cho Kiwi các kỹ năng từ khi còn rất nhỏ, hàng ngày, mọi nơi, mọi lúc. Vậy kỹ năng sống gồm những kỹ năng gì?

Trong khuôn khổ các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ từ 0 – 6 tuổi, mẹ Kiwi xin phép đưa ra 4 nhóm kỹ năng sau để bố mẹ tham khảo:

Nhóm 1: Kỹ năng tự phục vụ

Nếu trẻ không thể tự làm các việc đơn giản để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của bản thân như ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân mà luôn phụ thuộc vào bố mẹ hoặc người giúp việc thì lâu dần trẻ sẽ trở thành người ỉ lại, dựa dẫm, lười nhác,… Vậy nên bố mẹ hãy tạo cơ hội để con được tự làm các việc của bản thân con từ việc tự xúc ăn, tự uống nước, đeo giày, mặc quần áo, đi vệ sinh,… đến những công việc trong gia đình vừa sức với con như dọn bàn ăn, chia bát đĩa, rửa bát, quét nhà, vứt rác,… Những lần đầu tập làm con sẽ chưa quen và gặp khó khăn, bố mẹ hãy hỗ trợ con một chút và kiên nhẫn để con có cơ hội làm thật nhiều lần, chắc chắn chỉ sau một thời gian ngắn con sẽ thành thạo kỹ năng đó. Bố mẹ cần khuyến khích, khen ngợi mỗi khi con làm được thêm một kỹ năng mới. Chắc chắn con sẽ cảm thấy rất tự hào về bản thân và tự tin hơn rất nhiều.

Bé tự phục vụ

Nhóm 2- Kỹ năng giao tiếp và biểu đạt cảm xúc

Đây cũng là một nhóm kỹ năng rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến khả năng giao tiếp của con sau này. Đối với các bé dưới 3 tuổi thì việc nhận biết và biểu đạt đúng các cảm xúc cũng cần học tập. Từ việc nhận biết đúng được cảm xúc của những người xung quanh cũng như cảm xúc của bản thân mình trẻ mới có cách cư xử và giao tiếp phù hợp được. Trẻ sẽ biết an ủi khi người thân, bạn bè khi buồn. Biết những việc làm không đúng của mình sẽ khiến bố mẹ giận,… Đối với các bé trên 3 tuổi kỹ năng giao tiếp sẽ phát triển cao hơn như việc hợp tác cùng làm việc nhóm, mạnh dạn nói ra ý kiến của bản thân, thuyết trình,v.v.

Bé làm việc nhóm

Nhóm 3- Kỹ năng tự bảo vệ

Đây là nhóm kỹ năng được ít cha mẹ để ý và hướng dẫn cho con. Đa số chúng ta vẫn cố gắng bao bọc, bảo vệ để trẻ tránh xa khỏi sự nguy hiểm. Nhưng liệu rằng chúng ta có thể dự tính hết các mối nguy hiểm có thể xảy ra hay luôn có mặt kịp thời để bảo vệ con em mình? Câu trả lời là “KHÔNG”. Thay vào đó bố mẹ có thể làm một việc tốt hơn đó là dạy cho con cách nhận biết sự nguy hiểm có thể đến từ đâu và cách phòng tránh cũng như xử lý tình huống nguy hiểm đó như thế nào. Chứ đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã quá muộn. Bố mẹ có thể bắt đầu từ việc dạy con phân biệt đồ dùng an toàn – không an toàn ở chính trong nhà mình. Nhận biết bộ phận nhạy cảm, vùng kín của nam và nữ, quy tắc bàn tay, phòng chống xâm hại. Quy tắc an toàn giao thông, an toàn điện, xử lý khi có cháy nổ, thiên tai,…

Nhóm 4- Kỹ năng quản lý (thông tin, tài sản, thời gian,..)

Nhóm kỹ năng này giành cho các trẻ 4-6 tuổi, khi trẻ đã nhận biết được các quy tắc đơn giản trong xã hội như cần tiền để mua hàng, cần sắp xếp các công việc, cần biết các thông tin cơ bản về bản thân và gia đình,… Để con hình thành các kỹ năng quản lý thành thạo, bố mẹ cần làm mẫu, làm gương cho con, như vậy con sẽ học được rất nhanh và trở thành thói quen cũng như phát triển các kỹ năng này trong tương lai.

Trên đây là 4 nhóm kỹ năng mẹ Kiwi đúc rút được. Mỗi nhóm kỹ năng lại bao gồm rất nhiều các kỹ năng khác nhau phù hợp cho từng độ tuổi. Mẹ Kiwi sẽ viết những bài chia sẻ tiếp theo kỹ hơn cho từng nhóm kỹ năng hoặc một kỹ năng. Mong bố mẹ sẽ ủng hộ và theo dõi các bài viết mới của Kiwi’s mom.

Để con hình thành một kỹ năng đòi hỏi sự kiên nhẫn của bố mẹ và là cả một quá trình trẻ không ngừng học hỏi, trải nghiệm nên bố mẹ chớ nóng vội nhé. Hãy luôn ở bên hỗ trợ cũng như khích lệ con, mẹ Kiwi tin rằng đây chính là chìa khóa để một em bé trở nên hạnh phúc không chỉ ở độ tuổi từ 0 – 6 tuổi mà là cả cuộc đời sau này.

Có bất kì thắc mắc gì bố mẹ đừng ngại inbox cho mẹ Kiwi ạ, hoặc bố mẹ có thể bình luận ngay dưới bài viết ạ.

Trả lời