Đăng vào Để lại phản hồi

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 0-6 tuổi

Ở bài “Tổng quan về giáo dục sớm” mẹ Kiwi đã đưa ra những nội dung cơ bản nhất về Giáo dục sớm (GDS). Ở bài này mình sẽ cung cấp thêm cho các bố mẹ những kiến thức cơ bản tiếp theo về sự phát triển ngôn ngữ và GDS ngôn ngữ cho trẻ, mong rằng sẽ là hành trang để giúp con phát triển ngôn ngữ và yêu ngôn ngữ sau này.

Bé đọc chữ

1. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 0-6 tuổi

Trong phần này mẹ Kiwi sẽ nêu các đặc điểm nổi bật trong từng giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các bố mẹ lưu ý đây là quá trình phát triển ngôn ngữ của một em bé thông thường, các mốc cũng chỉ là tương đối, không phải là thước đo sự phát triển càng không đánh giá ngược lại con em mình nhé ạ. Bởi mỗi e bé là một cá thể riêng biệt, phát triển theo đặc điểm và khả năng riêng của e bé đó nên các bố mẹ hãy tin tưởng và sát cánh cùng con để ngôn ngữ trở thành là phương tiện giao tiếp hiệu quả và là công cụ giúp con phát triển tư duy sau này nhé.

Tuổi Ngôn ngữ tiếp nhận Ngôn ngữ diễn đạt
0 – 3 tháng
  • Đáp ứng âm thanh và tiếng nói
  • Giao tiếp mặt đối mặt
  • Chú ý đến môi trường xung quanh
  • Trẻ biết khóc, phát ra một âm nào đó hoặc là gừ…gừ….trong cổ họng
  • Trẻ biết cười , làm cử động, phát âm với giọng nhẹ khi được người khác nói chuyện
3 – 6 tháng Hướng mắt và đầu về phía âm thanh và tiếng nói
  • Phát ra hai nguyên âm khác nhau
  • Phát một âm tiết gồm một phụ âm đầu và một nguyên âm
  • Phát ra những âm khác nhau thể hiện cảm xúc khác nhau
  • Biết làm hay bắt chước người khác làm những cử động của miệng
6 – 9 tháng Trẻ biết nhìn vào tranh và thực hiện được một vài yêu cầu đơn giản có kèm động tác minh hoạ của người yêu cầu
  • Phát ra bốn nguyên âm khác nhau, có thể nói ba, ma
  • Bập bẹ nói chuyện với người quen
  • Bắt chước làm lại âm thanh mà trẻ đã làm khi nghe người lớn phát ra âm đó
  • Bắt chước hành động đơn giản
9 – 12 tháng Trẻ hiểu những yêu cầu như vỗ tay, ngưng hành động khi được yêu cầu, biết quay lại khi nghe gọi tên mình
  • Phát ra âm có ngữ điệu để thể hiện ý muốn hay trao đổi thông tin nào đó
  • Bắt chước các cử động của miệng, các hành động kèm theo phát âm như vừa vỗ bụng vừa kêu bum….bum
12 – 15 tháng Trẻ biết chọn, chỉ và đưa vật theo yêu cầu (chọn 1 trong 2 vật)
  • Bắt chước phát âm một từ, hai từ với mức độ gần giống
  • Thực hiện các hành động và kèm theo phát âm lời phù hợp với hành động đó
  • Biết trả lời câu hỏi đơn giản bằng một từ
15 – 18 tháng
  • Bắt đầu nhận biết 1 bộ phận cơ thể
  • Biết làm theo 2,3 yêu cầu đơn giản gồm 2, 3 từ
  • Phát âm cùng với cử chỉ khi trẻ chưa biết từ
  • Cố gắng hát các bài hát quen thuộc
  • Lặp lại từ cuối câu
18 – 24 tháng
  • Biết thực hiện hành động trên vật khi được đưa vật
  • Nhận biết đến 7 bộ phận cơ thể
  • Biết chọn đến 3, 4 vật, đồ dùng quần áo khi được yêu cầu
  • Bắt đầu chọn 1 hình trong 2, 4 vật
  • Lắng nghe hết 1 truyện ngắn
  • Có thể nói 25 từ
  • Bắt chước câu 2 từ (có thể chưa sử dụng được)
  • Tính dễ hiểu của lời nói : người thân hiểu rõ
2 – 3 tuổi
  • Biết làm theo 10 yêu cầu
  • Chọn vật và thực hiện hành động trên vật
  • Chọn 1 hình trong 9 hình
  • Chỉ vật khi nghe nói công dụng (chọn đến 6 vật)
  • Nhận biết các nhóm vật : thức ăn, động vật, đồ vật
  • Nhận biết một số cặp từ tương phản
  • Chú ý nghe kể chuyện trong 10 phút
  • Phân biệt được nhiều – ít
  • Nhận biết từ chỉ sự sở hữu
  • Phân biệt có – không
  • Biết kết hợp 2 từ
  • Có thể sử dụng từ đơn luân phiên với người khác
  • Vốn từ khoảng 50 từ khi trẻ 2 tuổi và 200 từ khi trẻ 3 tuổi
  • Cuối thời kỳ này trẻ có thể nói câu 3 từ
  • Biết duy trì đối thoại đơn giản bằng câu 2, 3 từ
  • Biết sử dụng số nhiều, từ chỉ sự sở hữu, đại từ ngôi thứ nhất và thứ hai
3 – 4 tuổi
  • Làm theo yêu cầu 2, 3 thành phần
  • Nhận biết được nhiều bộ phận cơ thể
  • Nhận biết được giới tính
  • Chọn vật theo nhóm
  • Nhận biết thêm các từ tương phản
  • Nhận biết các thành phần giống và khác nhau của nhóm
  • Sử dụng câu 3 từ
  • Biết đặt câu hỏi
  • Nói tên họ
  • Trả lời câu hỏi về chức năng của vật
  • Hát bài hát đơn giản
  • Bắt đầu sử dụng mạo từ
  • Sử dụng đại từ thứ ba
  • Lặp lại câu 6 từ
  • Có ngữ điệu trong câu nói
4 – 6 tuổi Ở tuổi mẫu giáo, câu của trẻ sử dụng có cấu trúc hoàn chỉnh, đủ thành phần hơn. Trong giao tiếp, trong kể chuyện, câu nói của trẻ có ngữ điệu rõ ràng, thích hợp ngữ cảnh. Bé dùng từ cảm thán, sử dụng câu cảm thán khá nhiều trong các cuộc đối thoại. Ngoài các câu đơn trẻ còn sử dụng các hình thức câu phức và câu ghép. Sự phức tạp của câu tăng theo độ tuổi của bé.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Những bước phát triển ngôn ngữ trẻ em từ 1 đến 6 tuổi – Lưu Thị Lan (1996)
  2. Một số đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 0t đến 6t – Đề tài nghiên cứu khoa học của ĐHSP Hà Nội (2007)
  3. Bộ sách “Từng Bước Nhỏ Một” – Tài liệu của Trung tâm giáo dục hòa nhập người khuyết tật TPHCM
  4. Giáo trình “ Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non” – Ths. Nguyễn Thị Phương Nga (2005)

2. Giáo dục sớm ngôn ngữ cho trẻ

Từ bài “Tổng quan về Giáo dục sớm” chúng ta đã biết thời kỳ vàng để đưa các kích thích đến não là từ 0 – 3 tuổi, nên thời kỳ vàng để phát triển ngôn ngữ cho trẻ cũng là từ 0 – 3 tuổi.

Sẽ có bố mẹ thắc mắc “con mới có mấy tháng tuổi thì con sẽ học ngôn ngữ bằng cách nào?”. Trẻ từ trong bụng mẹ đã biết nghe những âm thanh, khi trẻ chào đời đã biết dùng tiếng khóc để thể hiện nhu cầu đói, ướt, rét, nóng,…Trẻ đã có nhu cầu giao tiếp ngay từ khi mới được 7 tháng trong bụng mẹ nên dạy ngôn ngữ cho trẻ ngay từ lúc này là tốt nhất (mẹ Kiwi sẽ chia sẻ rõ hơn trong bài Thai giáo ngôn ngữ). Khi em bé trào đời bố mẹ ôm con vào lòng và nhẹ nhàng thủ thỉ. Trẻ sẽ lắng nghe và cảm nhận ngôn ngữ mẹ đẻ với tình yêu thương, sự an tâm và ấm áp. Đây là khởi đầu để trẻ học và yêu ngôn ngữ sau này.

Mẹ Kiwi luôn cố gắng đưa mọi kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho Kiwi tiếp nhận càng sớm càng tốt, như là nói chuyện với con, đọc sách cho Kiwi, dạy con từ vựng, tráo thẻ chữ, trải nghiệm với đồ dùng thật,… nên Kiwi cũng khá mẫn cảm với ngôn ngữ, nghe hiểu rất tốt và biết dùng ngôn ngữ cử chỉ để biểu đạt nhu cầu trước khi Kiwi sử dụng được ngôn ngữ  nói. Đồng thời mình cũng gắn liền các hoạt động ngôn ngữ với ý nghĩa và tác dụng của ngôn ngữ nên Kiwi sớm hiểu được giá trị của ngôn ngữ. Ví dụ: mình viết tên các đồ vật và dán khắp nhà và nói với Kiwi rằng “ai cũng có tên riêng của mình, giống như con tên là Kiwi vậy”, nên khi nói về một việc gì đó con sẽ sử dụng đúng tên riêng của sự vật, sự việc đó.

Kiwi đọc sách với mẹ

Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều có thể trở thành chủ đề ngôn ngữ cho con, nhưng để bắt đầu thì chúng ta sẽ đi từ những chủ đề gần gũi nhất với con. Mẹ Kiwi sẽ liệt kê các chủ đề theo dạng sơ đồ cây để bố mẹ dễ hiểu nhé ạ

  1. Bộ phận cơ thể
  2. Người thân trong gia đình
  3. Hoạt động của bé
  4. Hình dạng
  5. Màu sắc
  6. Mùi vị
  7. Các loại quả
  8. Các loại hoa
  9. Động vật nuôi
  10. Đồ vật trong gia đình
  11. Phương tiện giao thông
  12. Động vật dưới nước
  13. Động vật hoang dã
  14. Các loại rau củ
  15. Các loại nhạc cụ
  16. Nghề nghiệp
  17. Côn trùng
  18. Bò sát
  19. Chim
  20. Dụng cụ lao động
  21. Địa lý
  22. Cờ các quốc gia
  23. Danh lam thắng cảnh
  24. Danh nhân thế giới
  25. Thương hiệu nổi tiếng
  26. Hành tinh
  27. Thời tiết
  28. …….

Với những chủ đề này mẹ Kiwi cung cấp cho con những từ vựng và khái niệm đơn giản nhất thông qua hoạt động nói tên, tráo thẻ, chơi trò chơi theo chủ đề, nhắc lại liên tục khi bắt gặp trong cuộc sống cho đến khi con nhớ được những từ vựng đó. Ngay cả khi mới 8 tháng tuổi thì Kiwi đã biết thể hiện sự hiểu biết của mình qua hành động “chỉ bằng ngón trỏ”. Khi mẹ hỏi Kiwi “cái bóng điện ở đâu?” thì ngay lập tức con hướng về phía cái bóng điện và chỉ ngay vào đó. Nên các bố mẹ hãy cứ dạy cho con mọi thứ về cuộc sống xung quanh con mà không cần chờ thêm bất kỳ 1 giây phút nào nào nhé.

Để cụ thể hóa cách dạy ngôn ngữ cho con theo từng chủ đề, mẹ Kiwi sẽ viết bài chi tiết hơn và làm clip hướng dẫn cụ thể và gắn link ở phía dưới các bố mẹ nhé. Hi vọng mình sẽ giúp được nhiều bố mẹ chưa biết nên dạy ngôn ngữ cho con như thế nào. Mình cũng rất mong muốn nhận được sự góp ý và trao đổi về cách dạy con từ các bố mẹ bằng cách bình luận ở dưới clip. Cám ơn các bố mẹ đã quan tâm và cùng đồng hành với mẹ Kiwi trên con đường Giáo dục sớm ạ.

Trả lời